CHUYÊN ĐỀ CHUYÊN MÔN RÈN PHƯƠNG PHÁP, KĨ NĂNG LÀM DẠNG BÀI ĐỌC HIỂU CHỦ ĐỀ PHẨM CHẤT: Ý CHÍ NGHỊ LỰC
Nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng, ôn thi tuyển sinh vào lớp 10-THPT năm học 2023-2024, phòng GD&ĐT tổ chức sinh hoạt chuyên đề, chuyên môn cấp huyện môn Ngữ văn 9: Phương pháp và kỹ năng làm các dạng câu hỏi phần đọc hiểu theo cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10-THPT.
Nội dung chuyên đề: Câu hỏi “Đọc hiểu” là một kiểu dạng không còn mới mẻ được đưa vào đề kiểm tra, đề thi vào 10, nhưng lại chưa được cụ thể hóa thành một bài học riêng trong chương trình Ngữ văn bậc Trung học cơ sở. Dạng này cũng không có nhiều tài liệu, bài viết chuyên sâu để tham khảo. Nó chưa “lộ diện” thành một bài cụ thể trong sách giáo khoa, hơn nữa kiến thức, kĩ năng đọc hiểu nằm rải rác trong chương trình học môn Văn từ cấp Tiểu học,THCS . Chính vì thế mà không ít giáo viên ôn thi tỏ ra lúng túng khi hướng dẫn học sinh làm bài. Điều đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng, kết quả bài thi của học sinh. Theo cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 – 2024 được ban hành kèm theo Quyết định số 1484/QĐ – SGDĐT ngày 23/10/2020, đối với môn Ngữ văn nội dung đọc – hiểu chiếm 30 % . Trong thực tiễn ôn thi vào lớp 10 nói riêng và thực tế dạy học môn Ngữ văn nói chung, chúng tôi thấy học sinh muốn nâng cao chất lượng bài thi môn Ngữ văn thì phải làm tốt phần Đọc – hiểu. Bởi tuy chỉ chiếm 30% số điểm nhưng nó lại có tính quyết định điểm thi cao hay thấp. Nếu các em làm tốt phần này, điểm thi có thể đạt tới điểm 7, 8 thậm chí điểm 9 những nếu làm không tốt phần đọc – hiểu thì khó có cơ hội điểm cao. Do vậy việc ôn tập bài bản để các em học sinh lớp 9 làm tốt phần đọc – hiểu, làm tốt bài thi của mình càng trở nên cấp thiết. Vì vậy trong quá trình dạy Ngữ văn lớp 9 để tiếp cận việc ôn thi vào lớp 10 THPT, chúng tôi thường xuyên xây dựng các chủ đề bám sát mà nội dung của nó xoay quanh các vấn đề thi vào lớp 10, với mục đích là để củng cố, hệ thống hóa, khắc sâu kiến thức, rèn kỹ năng và giúp HS có năng lực tự học bao gồm cả nội dung đọc – hiểu và nghị luận văn học.